Thời điểm này, con nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, báo hiệu cho vùng ÐBSCL bắt đầu vào mùa nước nổi. Ðây cũng là lúc bà con làng nghề đan lưới Thơm Rơm (Tân Hưng, Thốt Nốt) bước vào vụ sản xuất sôi nổi nhất trong năm. Tại các cơ sở, không khí làm việc luôn tất bật, rộn ràng để kịp các đơn đặt hàng phục vụ thị trường mùa nước nổi.
Từ sáng sớm, tại cơ sở dệt lưới Nguyễn Xuân Sỉ, khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, không khí làm việc đã huyên náo. Từng nhóm thợ, người đóng phao vào lưới, người tất bật dập chì… Bà Trương Thị Sáu, chủ cơ sở, chia sẻ: “Đan lưới là nghề cha truyền con nối của gia đình chồng tôi với thâm niên hơn 30 năm. Nhờ nghề này, vợ chồng tôi và bà con làng nghề ăn nên làm ra, vươn lên khấm khá”. Tuy sản xuất quanh năm, nhưng đến mùa nước nổi (từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch) là thời điểm làng nghề hoạt động sôi nổi. Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở của gia đình bà Sáu bán trên 300 tay lưới, tăng hơn gấp đôi so với ngày thường. Vì vậy, gia đình bà huy động người thân và thuê trên 30 nhân công nhằm tăng tốc sản xuất, kịp các đơn hàng.
Thời điểm này, đi dọc theo tuyến quốc lộ 91, đoạn qua địa phận khu vực Tân Lợi 1 và Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, các hộ sản xuất, kinh doanh đã trưng bày nhiều loại ngư cụ để thu hút khách. Anh Phước Hiếu, chủ tiệm lưới Liễu Thắng, cho biết, thị trường nhìn chung vẫn khả quan khi người dân các nơi chuộng ngư cụ của làng nghề đan lưới Thơm Rơm. Mùa nước nổi năm nay, giá các mặt hàng ngư cự vẫn giữ mức bình ổn so với năm trước. Các loại lưới bắt cá rô, cá linh và lú là những mặt hàng bán chạy nhất. Bên cạnh đó, các loại ngư cụ khác vẫn có lượng khách ổn định. “Hiện nay, cơ sở tôi đang thuê khoảng 15 nhân công, chuyên nhận gia công đạp chì và cột phao; đồng thời chúng tôi còn trữ trên 10.000 tay lưới các loại để phục vụ thị trường mùa nước nổi” – anh Hiếu chia sẻ.
Theo bà con làng nghề đan lưới Thơm Rơm, hiện nay, các sản phẩm ngư cụ của làng nghề được tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh thượng nguồn dòng Mekong, như An Giang, Đồng Tháp, Long An và cả các nước Campuchia, Lào. Những năm gần đây, nước lũ từ thượng nguồn về thấp nên ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của bà con làng nghề. Tuy vậy, mọi người vẫn dốc lòng duy trì nghề lưới truyền thống. Nhiều chủ cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại để tăng công suất, tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào, tăng thu nhập cho bà con làng nghề. Điển hình như ông Nguyễn Minh Hải, chủ cơ sở sản xuất lưới Hải Vân 2, đã đầu tư 6 máy dệt cùng trên 20 máy các loại, như máy may kéo chỉ, máy se, máy đánh dĩa… để sản xuất lưới cá. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông Hải cung ứng 4 tấn lưới cá cho thị trường.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng, chia sẻ: “Hiện nay, doanh thu của làng nghề đan lưới Thơm Rơm ước đạt gần 17 tỉ đồng/năm, mang lại hiệu quả đáng kể trong công tác giải quyết việc làm. Chỉ tính riêng trên địa bàn phường Tân Hưng, làng nghề đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 1.200 lao động”.
Bên cạnh đó, những hộ sản xuất gia công trên địa bàn phường Tân Hưng đã phân bổ nguyên liệu cho nhiều hộ dân ngoài địa phương. Đơn cử, tại huyện Cờ Đỏ, ngày càng nhiều bà con nhận nguyên liệu từ làng nghề đan lưới Thơm Rơm để gia công và dần hình thành các mô hình, tổ hợp tác đan lưới, đan ráp lú gia công… Bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, thông tin, hiện nay, các cấp Hội LHPN huyện đang duy trì hoạt động hiệu quả của 7 Tổ hợp tác “đan ráp lú” với tổng số 120 thành viên tham gia, tập trung tại các xã Trung Hưng, Trung Thạnh, Thới Hưng, Thới Xuân. Nghề làm quanh năm, không “kén” người, chỉ cần sự cần cù, khéo léo nên không riêng lao động nữ mà cả người già, trẻ nhỏ cũng có thể nhận nguyên liệu về gia công. Tùy theo công đoạn làm, tay nghề mà thu nhập của từng người tăng giảm khác nhau; bình quân thu nhập có thể đạt 150.000 đồng/người/ngày.