Thiệt tình, khi thấy những cái bánh chưng, bánh tét được bó bằng những sợi dây bằng nhựa màu xanh đỏ, tự nhiên tôi thấy cái bánh mất ngon liền.
Như mấy cái bánh chưng, bánh tét ở đường Nhật Lệ – Huế chẳng hạn, có lần ghé mua làm quà cho một người bạn, tôi góp ý cho mệ bán bánh rằng: “Bánh chưng, bánh tét được bó bằng lạt tre sẽ gần gũi hơn, thưa mệ!”; nhưng mệ chỉ cười không ra đồng tình mà cũng chẳng ra phản đối…
Như một sự mặc định từ khi những chiếc bánh gắn liền với người Việt, gắn liền với Tết cổ truyền là bánh chưng, bánh tét đã gói bằng lá chuối hay lá dong thì phải được bó bằng lạt tre (hay lạt giang) mới ngon mắt, mới đúng điệu.
Quan sát thật kỹ, khi những chiếc bánh được luộc chín, lá chuyển sang màu xanh hơi nâu, còn những đường sợi lạt cũng chuyển màu từ trắng sang hơi xanh nhìn rất hài hòa.
Với tôi, những sợi lạt tre còn là kỷ niệm của những mùa Tết xưa, khi bà nội tôi mỗi lần ăn bánh chưng, bánh tét sẽ dùng sợi lạt được lấy ra từ chiếc bánh đó để tách cái bánh thành từng phần nhỏ khi ăn…
Những sợi lạt mềm đã thương chặt lòng tôi về những cái Tết nghèo mà vô cùng ấm áp tuổi thơ quê nhà.
Cứ đến những ngày giáp Tết, tôi lại chạy xe về chợ An Cựu, ghé hàng quen của một mệ già mua mấy bó lạt để gói bánh tét, bánh chưng. Nhà ở phố, chỉ gói ít bánh cho có hương vị Tết cổ truyền, nhưng lạt lại nhiều nên gói bánh xong, dư ra để đó. Sau ba ngày Tết, người Huế có một lễ trọng đó là cúng đầu năm. Nhớ cái cảnh, bà xã cứ kêu tìm cho em sợi lạt hôm bữa Tết còn lại để em luộc giò gà.
Trong lễ cũng đầu năm, nhà mô cũng tìm mua cho được con gà trống đẹp, nhất là cặp giò. Mà luộc làm sao cho cặp giò chỉ vừa chín tới và chín đều là nghệ thuật của những phụ nữ nội trợ. Cặp giò gà được vợ tôi buộc bằng sợi lạt tre nhẹ nhàng và cho nhúng khi nước trong nồi luộc gà đã sôi đều, vài lần nhúng đều tay như rứa là giò đã chín vừa đẹp để đặt lên phần thân con gà mà bày trên mâm cúng…
Sau khi mâm cúng đã hoàn tất, người Huế thường có lệ lấy cặp giò cúng đầu năm để đi coi giò xem năm nay gia đình sẽ có những biến chuyển gì? Tất nhiên, cái lệ xưa bày đó ngày nay không phải ai cũng làm theo cả, có nhà đi coi giò, cũng có nhà không đi coi…
Tôi còn nhớ, một số gia đình ở quê tôi hồi trước, cặp giò gà cúng xong, phơi khô quắt khô queo rồi treo trên giàn bếp, để từ năm ni qua năm khác. Nhà ai có con nít bị lên sởi, lên tót, thì mang cặp giò khô đó đốt cháy, hòa nước uống thì độc địa xuất ra hết, không bị lạm vô người…
Mà sợi lạt mềm đó không chỉ dùng để luộc giò gà, hồi trước ở quê tôi khi chạp họ, một người trong họ có kinh nghiệm về chuyện bếp núc được phân công luộc đầu, nọng và lòng heo để đặt lên mâm cúng.
Người ta cũng dùng những sợi lạt tre dài và dẻo buộc vào đầu, nọng và lòng heo để nhúng nhiều lần vào nồi nước sôi cho vừa độ chín đẹp và đặt lên mâm cúng… “Heo ra ca (gà) vô” đó là câu mà tôi vẫn nghe mấy bậc cao niên trong họ dặn con cháu khi sắp đặt, bày biện một mâm cúng cho đúng cách…
Không biết bây chừ ở Huế còn mấy gánh bún bò có những cục khoanh giò heo được bó bằng mấy sợi lạt tre. Cường – một người bạn của tôi kể về giai thoại nhạc sĩ Bảo Chấn có lần ra Huế chấm giải các ca khúc sáng tác về chợ Đông Ba.
Có một ca khúc khá hay của một nhạc sĩ Huế dự thi. Nghe xong, nhạc sĩ Bảo Chấn nói: “Ca khúc của chú viết khá ấn tượng, chỉ cần chỉnh một số đoạn nhạc và cả ca từ nữa cho hay hơn, đậm chất Huế hơn; nhưng phải mời anh đi ăn bún giò giò heo bó lạt tre đã anh mới chỉ cho đó nghe!”.
Nhạc sĩ Bảo Chấn chỉ nói đùa với nhã sĩ đàn em như vậy thôi, nhưng sau đó ông được mời đi ăn bún giò bó lạt tre thiệt luôn. Và nghe mô, “mệ” Bảo Chấn vừa ăn bún giò giò heo bó lạt vừa khen ngon, vừa chỉnh sửa luôn cho bài hát của nhạc sĩ đàn em bên gánh bún bò giò heo buổi sáng ở vỉa hè xứ Huế…
Mà không biết những cục khoanh giò bó lạt của mấy gánh bún bò giò heo xứ Huế chỉ để cho hấp dẫn nồi bún, hay là để luộc cho vừa chín tới như cách luộc giò gà, đầu heo của người Huế mỗi khi cúng kỵ?
Có một điều chắc chắn rằng, cũng là giò khoanh cả thôi nhưng khi mấy cái khoanh giò được bó lạt nằm lấp sấp trên mặt nồi bún, khách chưa ăn mà nhìn thôi đã thấy ngon con mắt lắm rồi…