Sự linh thiêng của vùng đất bán sơn địa Tri Tôn như thăng hoa trên nền đầy sắc màu huyền tích của cuộc giao thoa văn hóa cộng đồng 3 dân tộc…
“Trung tâm” Thất Sơn
Nếu Thất Sơn (Bảy Núi) là danh xưng mang tính biểu tượng linh thiêng cho vùng đất bán sơn địa ở An Giang, thì Tri Tôn được xem là trung tâm của danh xưng này cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Theo “Địa chí An Giang”, toàn tỉnh có 8 cụm núi với 37 ngọn độc lập. Núi ở An Giang bắt nguồn từ Núi Nổi (Phù sơn, thị xã Tân Châu), sau khi đi qua Châu Đốc, Tri Tôn, Tịnh Biên rồi kết thúc tại Thoại Sơn. Nối các điểm này lại, ta có hình ảnh chiếc cung đang căng dây, mũi hướng về phía biển Tây. Trong đó, Tri Tôn chính là phần đỉnh của cánh cung.
Không chỉ giữ vị trí mang biểu tượng “đứng mũi chịu sào” cho cả vùng đất, Tri Tôn còn được xem là thủ phủ của danh xưng Thất Sơn. Có thể nói Thất Sơn là danh xưng mang lại danh dự, nhưng cũng để lại nhiều rắc rối nhất trong các khái niệm địa danh ở An Giang.
Kể từ lần đầu tiên vùng Thất Sơn được chính danh vào sách “Gia Định thành thông chí” sau đó là “Đại Nam nhất thống chí”, đến nay danh xưng và số lượng núi ở An Giang luôn có nhiều biến động và đón nhận nhiều ý kiến khác nhau.
Nếu như “Đại Nam nhất thống chí” ghi nhận Thất Sơn gồm: Tượng sơn, Tô sơn, Cấm sơn, Ốc Nhẫm, Nam Vi, Tà Biệt và Nhân Hòa, thì sau này nhiều cây bút như: Hồ Biểu Chánh (1884-1958), Nguyễn Văn Hầu (1922-1995) lại cho rằng Thất Sơn bao gồm: núi Tượng, núi Tô, núi Cấm, núi Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Bà Đội Ôm.
Như vậy có 3 danh xưng trùng nhau và 4 danh xưng khác nhau. Có điều khá đặc biệt là dù các ý kiến có phần khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là khu biệt Thất Sơn tại 2 địa bàn Tri Tôn và Tịnh Biên.
Tuy nhiên, ý kiến được nhiều người ủng hộ nhất là Thất Sơn bao gồm: Thiên Cấm sơn (núi Cấm) Ngũ Hồ sơn (núi Dài 5 giếng), Anh Vũ sơn (núi Két, hay còn viết là Kéc) và Thủy Đài sơn (núi Nước), Liên Hoa sơn (núi Tượng), Ngọa Long sơn (núi Dài) và Phụng Hoàng sơn (núi Cô Tô, hay còn gọi là núi Tô).
Theo quan điểm này, Tri Tôn sở hữu 4 ngọn núi so với Tịnh Biên là 3. Câu chuyện linh thiêng càng được đẩy lên đỉnh điểm khi toàn huyện Tri Tôn chỉ sở hữu 8 núi. Trong khi đó Tịnh Biên có đến 18 núi và nhiều ngọn núi có tên thuộc hàng vang danh thiên hạ, như: Bạch Hổ sơn, Kỳ Lân sơn…
Nơi giao thoa văn hóa Kinh, Hoa, Khmer
Sau cái huyền bí không dễ để cảm nhận hết bằng lời của vùng đất sở hữu nhiều ngọn núi linh thiêng, hùng vĩ, vùng đất bán sơn địa Tri Tôn còn hấp dẫn các nhà nghiên cứu, người thích xê dịch… bởi sự giao thoa văn hóa vô vùng độc đáo.
Có thể nói văn hóa Tri Tôn như chiếc phễu đón nhận và dung hòa nét đậm nhạt của nền văn hóa từ 3 dân tộc cộng cư lâu đời: Kinh, Hoa và Khmer để tạo nên nét độc đáo khó nơi nào có được: vừa có nét rất riêng, nhưng cũng hòa quyện như khối thống nhất.
Thật vậy, đến Tri Tôn, du khách dễ dàng nhận ra sự hiện diện của những cánh rừng cây thốt nốt thẳm sâu trên những cánh đồng cát trắng trải dài đến mút tầm nhìn. Có người nói cây thốt nốt được xem như biểu tượng của đồng bào Khmer Nam Bộ như cây dừa đối với người Kinh. Nhưng thốt nốt ở Tri Tôn còn như chứng nhân lịch sử về cuộc tiếp nối sự giao thoa của các tộc người. Hơn thế nữa, những tàn lá thốt nốt mang hình chiếc quạt khổng lồ quanh năm che chở, quạt mát những mái chùa với kiến trúc đặc thù của tộc người sùng Phật giáo Nam tông.
Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của cộng đồng, mà còn là không gian của những mùa lễ hội đầy nhân văn mà chỉ nghe qua cũng làm xao xuyến triệu trái tim nhân ái: lễ báo hiếu, dâng bông, dâng y… Và cũng chính từ các ngôi chùa này đã khai sinh ra sinh hoạt văn hóa độc đáo: Đua bò.
Khởi thủy như hoạt động tự nguyện của phật tử mang đôi bò tốt nhất trong phum, sóc hỗ trợ nhà chùa cày ruộng cấy lúa… dần dần hình thành môn đua bò với những màn tranh tài độc đáo nhưng cũng vô cùng nhân văn, thu hút sự tham gia cổ vũ cuồng nhiệt từ cộng đồng người Kinh, người Hoa trong và ngoài tỉnh.
Từng đôi bò theo điều khiển của chầm-nik kéo giàn bừa gỗ lướt nhanh trên mặt ruộng ngập nước, tạo thành những chùm hoa nước lộng lẫy dưới ánh mặt trời. Đôi bò chiến thắng sẽ được nhà chùa thưởng vòng cà-tha và được người trong phum, sóc tung hô như niềm tự hào chung.
Đến Tri Tôn, du khách không thể nào phân biệt đâu là của cộng đồng người Kinh, Hoa hay Khmer. Bởi nhiều thứ đã hòa quyện rồi giao thoa từ nhiều đời nay và trở thành ký ức của cộng đồng nhiều thế hệ. Những ảnh hưởng đó không chỉ hiện diện trong những ngôi nhà sàn lẩn khuất bên bờ kênh, những ngôi nhà ngói rêu phong nép mình bên những con đường rợp bóng cây… mà còn hiện diện trong các món ăn độc lạ.
Tết này, có dịp viếng Bà Chúa xứ Núi Sam, xin hãy ghé Tri Tôn để trải nghiệm qua những cái tên đầy huyền tích. Khi đó chắc hẳn mọi người không chỉ thêm yêu vùng huyền tích, mà thêm trân trọng công sức tiền nhân đã dày công khai khẩn và phát triển vùng đất bán sơn địa nơi biên viễn…