Người Tày ở Bắc Kạn có một nền văn hóa cổ truyền phong phú bao gồm các thể loại thơ, ca, truyện cổ tích, truyện cười dân gian, lễ hội truyền thống, ca, múa, nhạc… Các làn điệu dân ca phổ biến nhất là hát lượn phong slư, lượn cọi, hát quan làng, hát ru con… Ngoài ra, đồng bào người Tày còn có một hệ thống những bài dân vũ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện một cách đa dạng niềm tin và khát vọng của con người trong cuộc sống lao động, sản xuất.Trong số những làn điệu dân ca, dân vũ của người Tày, múa bát là một trong những điệu múa có sự phổ biến rộng rãi nhất và được sử dụng thường xuyên hơn cả.
Đây là một điệu múa đặc sắc được tỉnh Bắc Kạn cũng như các thế hệ người Tày lưu giữ và bảo tồn bằng hình thức truyền miệng và truyền dạy trực tiếp nhưng cho đến nay các động tác múa vẫn gần như mang tính thống nhất, ít dị bản. Nhiều động tác múa mang ý nghĩa mô phỏng lại các động tác ươm tơ thủ công của bà con từ ngàn xưa, các hoạt động vật chất, sinh hoạt tinh thần hay lễ mừng cơm mới của đồng bào Tày.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, Múa bát của người Tày Bắc Kạn đã được bảo tồn và phát triển trong đời sống tinh thần của người Tày từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhiều tổ nhóm, câu lạc bộ văn nghệ được thành lập đã liên kết, kết nối những người đam mê, yêu thích múa bát với nhau để tổ chức giao lưu, sinh hoạt phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị, xã hội ở cơ sở, các phiên chợ, lễ hội, phục vụ khách du lịch tại địa phương… Điều đó đã tạo điều kiện cho loại hình nghệ thuật này tiếp tục duy trì và có cơ hội phát triển trong đời sống hiện đại.