110 năm bảo tồn và phát triển một di sản Chăm

Đến thời điểm này số tuổi của Bảo tàng Chăm cũng vừa tròn 110 năm tương đồng với thời gian Di tích Mỹ Sơn được phát hiện.


Bảo tàng Chăm Đà Nẵng hiện nay: Ảnh: BT Chăm

Hành trình EFEO

Trước những năm đầu thế kỷ trước, người dân, kể cả những kẻ bạo dạn, tham lam nhất cũng không một ai dám vào thung lũng Khe Thẻ, dưới chân Chúa. Họ sợ cái thung lũng huyền bí, cùng những pho tượng đá xa lạ; sợ từ những câu chuyện huyễn hoặc về ma Hời; về linh hồn chủ nhân vùng đất cùng mối hận, lẩn khuất ngàn năm không tan. Cả trăm năm qua, làng Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam) nhỏ bé nằm kẹp giữa những dãy núi trùng điệp vẫn lan truyền tin đồn những đàn gà, heo… bằng vàng của người Chăm thường xuất hiện thoắt ẩn, thoắt hiện, trong lùm cây, bụi duối, biến ảo trêu ngươi. Người dân vùng này gọi đó là vàng Hời, nhưng vẫn không mấy ai dám bước qua dòng khe Thẻ để khai quật, tìm kiếm. Vậy mà giữa một ngày chớp lóe, sấm động, có một đoàn người âm thầm lẫn trong bóng đêm, bám vào lùm cây, ngọn cỏ lần dò từng bước, đi sâu vào thung lũng u tịch.

Đó là một ngày cuối thu năm 1898. Đoàn người kia chính là những nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ – Pháp (EFEO), do nhà bác học C.Paris dẫn đầu trên đường khảo sát, tìm kiếm Thung lũng các thần linh của một dân tộc từng có nền văn hóa phát triển rực rỡ từ cách đó cả ngàn năm. Toàn quyền Đông Dương lúc này đã ban hành một sắc lệnh, yêu cầu tất cả những người lính viễn chinh, dân sở tại… nhặt được tượng đá, hiện vật xưa đều phải thu góp, tập trung về Đà Nẵng (trụ sở của Viện Viễn Đông Bác Cổ) để bảo quản, nghiên cứu. Trụ sở này nay là Bảo tàng Chăm, nằm ven sông Hàn, Đà Nẵng.

Phát hiện Thánh địa Mỹ Sơn của C.Paris lúc bấy giờ đã như một tiếng sấm động giữa trời quang, thu hút sự chú ý của các nhà khoa học khảo cổ trên toàn thế giới. Trong số này có hai nhà khoa học Henry Parmentier và C.Carpeaux, liên tiếp nhiều năm sau đó đã tiếp cận, nghiên cứu Mỹ Sơn suốt bốn năm (1901-1904). Kết quả khảo cứu được đăng tải trên hai tác phẩm Thống kê khảo tả các di tích Chămpa ở An Nam (Inventaire descriptif des monuments Cam de L’ Annam) và Nghệ thuật kiến trúc Hindu… (L’art architectural Hindou l’inde et en Extrême Orient – 1948), sau này đã trở thành những tài liệu vô giá trong lịch sử nghiên cứu Mỹ Sơn cho đến hôm nay, đặc biệt khi di tích này giờ chỉ còn là một phế tích, đổ nát lẫn trong đống gạch vụn.

Trăm năm lưu giữ ngàn năm

Năm 2025, Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng tròn 110 tuổi. Khởi đầu cho công cuộc lưu giữ những báu vật của tiền nhân trên đất Miền Trung là Trường Viễn Đông Bác Cổ- Pháp (L’ École Française d’ Extrême Orient- EFEO), thực hiện trong quá trình nghiên cứu nền văn hóa Chămpa trên đất Miền Trung. Từ ý thức tôn trọng lịch sử, biết ơn tiền nhân, chính quyền các thời kỳ; nhiều thế hệ… nối tiếp nhau, bảo lưu bảo tàng luôn trong tình trạng tốt nhất suốt một thập kỷ qua. Đến thăm Bảo tàng Chăm, Đại sứ quán Cộng hoà Pháp tại Việt Nam, ông Herve Bolot không giấu được sự xúc động: “Các bạn ở Việt Nam có những tài sản văn hoá vô cùng đặc sắc, không thể tìm thấy ở đâu trên thế giới, như những hiện vật điêu khắc tại bảo tàng này. Chúng tôi tôn trọng sâu sắc những giá trị văn hoá mà lịch sử đã để lại”.

Bảo tàng Chăm nằm cạnh sông Hàn thơ mộng mấy mươi bước chân. Trước năm 1975, người Đà Nẵng gọi nó là Maja Chàm. Sau có thời gian tiếp xúc với nền văn hóa Ấn Độ, mới biết Maja là một chữ trong tiếng Phạn chỉ ác thần. Cho đến những năm 80-90, thế kỷ 20, Bảo tàng Chăm vẫn là địa chỉ văn hóa hoang vắng, ít người qua lại, thăm viếng. Thời này chỉ có anh chị em nghiên cứu văn hóa, báo chí cũng thường bạo gan, nữa đêm rủ nhau leo rào vào đốt nến, uống rượu bên những pho tượng. Những lúc này, trong không gian huyền ảo, rờn rợn từ ngọn lửa nhỏ, say men rượu, chúng tôi cứ ngỡ người ngàn xưa hiện về, trong những điệu múa Apsara. Những đêm đó anh T.P.K – một nhà nghiên cứu say mê văn hóa Chăm, thường kể những câu chuyện xưa cũ liên quan đến những bức tượng thần được đặt tại đây và bao giờ anh cũng kết bằng một câu, đó là một dân tộc có tâm hồn nghệ sĩ. Có lẽ tôi yêu mến những gì thuộc về văn hóa Chăm từ đó.

Anh kể về lịch sử Maja Chàm. Anh nói, như một sự tình cờ, những năm cuối thế kỷ 19, người lính viễn chinh Pháp, trong các cuộc hành quân thường tìm thấy những pho tượng đá, được điêu khắc tỉ mỉ, văn hóa khác lạ, vương vãi khắp vùng Miền Trung. Đặc biệt nó hầu như không liên quan gì đến tập quán thờ cúng, văn hóa người bản xứ. Họ nhặt về khá nhiều, để làm một kỷ niệm cuộc hành trình, hơn là có ý đồ sưu tập.

Lúc này Công sứ Pháp tỉnh Quảng Nam, Charles Lemire tình cờ phát hiện “thú chơi” này và từ những năm 1891, 1892 ông yêu cầu tôn trọng, giữ nguyên vẹn và đưa hết các hiện vật được thu nhặt từ các làng Trà Kiệu, Khương Mỹ (Quảng Nam) về đặt tại công viên Tourane (Đà Nẵng ngày nay), là địa điểm sau này được chọn để xây dựng Bảo tàng. Từ những bản báo cáo về một nền văn hóa lạ lùng, phát hiện tại Miền Trung của vị công sứ, Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (L’ École Française d’ Extrême Orient – EFEO) nhanh chóng cử một nhóm công tác vào Tourane, do chủ sự Henri Parmentier dẫn đầu và tổ chức công cuộc nghiên cứu.


Tượng đồng Bồ tát Tara – Báu vật quốc gia: Ảnh: Trung Hiếu


Số lượng hiện vật điêu khắc Chăm được phát hiện ở vùng Quảng Nam nhiều vô kể, đến mức EFEO nghĩ đến việc xây dựng một bảo tàng để lưu giữ. Từ ý tưởng này, trụ sở của Viện được chọn để đặt làm nền móng cho bảo tàng và toà nhà đầu tiên được xây dựng vào năm 1915, nhằm trưng bày hang ngàn hiện vật điêu khắc đá được thu nhặt suốt hơn 20 năm trước đó. Địa điểm này, với tên gọi là “công viên Tourane”.

Toà nhà được xây dựng theo thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair, trên cơ sở gợi ý của Parmentier về việc sử dụng một số đường nét của kiến trúc Chăm; và mặc dù đã trải qua nhiều lần mở rộng nhưng toàn bộ toà nhà và phong cách kiến trúc ban đầu của bảo tàng vẫn còn giữ lại cho đến ngày nay

Không gian của toà nhà bảo tàng gần 1.000m2 đã được bố trí thành những khu vực trưng bày, gồm các Phòng Trà Kiệu, Phòng Mỹ Sơn , Phòng Đồng Dương, Phòng Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum. Năm 2002, một tòa nhà 2 tầng được xây nối thêm vào phía sau, tăng thêm hơn 1.000m2 để trưng bày các hiện vật sưu tầm sau năm 1975.

Từ năm 2005, một kế hoạch nâng cấp bảo tàng đã được khởi động. Với sự trợ giúp của các chuyên gia Pháp thuộc dự án FSP, hai phòng Mỹ Sơn và Đồng Dương được cải tạo và khánh thành năm 2009. Đến năm 2016, một dự án tổng thể do thành phố Đà Nẵng đầu tư đã trùng tu toàn diện các tòa nhà và chỉnh lý, nâng cấp các phòng trưng bày với nỗ lực nhằm tạo sự liên kết các tòa nhà của bảo tàng trong một lộ trình tham quan tổng thể, gồm phần trưng bày chính là các bộ sưu tập điêu khắc Chăm và các phòng chuyên đề về văn khắc, gốm và âm nhạc, lễ hội, nghề truyền thống của đồng bào Chăm hiện nay. Không gian dành cho biểu diễn và hoạt động giáo dục được đặt ở tầng 2 và khu dịch vụ được cải tạo bố trí ở sân vườn.

Năm 2011, Bảo tàng đã được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam, khẳng định vai trò và những đóng góp của Bảo tàng Điêu khắc Chăm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa

Trong lịch sử các dân tộc thuộc các tiểu vương quốc Champa cổ ở miền Trung Việt Nam đã để lại một di sản nghệ thuật vô cùng quí báu, với hệ thống đền tháp gạch đa dạng, cùng các tác phẩm điêu khắc mang màu sắc Ấn Độ giáo – Phật giáo.

Hơn 110 năm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, Bảo tàng Chăm hiện nay được xem là bảo tàng độc nhất vô nhị về nghệ thuật điêu khắc trên thế giới, là vốn di sản quý báu của dân tộc. Tại Bảo tang Chăm, liên tiếp trong nhiều năm gần đây, Nhà nước đã công nhận đến 9 hiện vật gồm Đài thờ Trà Kiệu; Đài thờ Mỹ Sơn E1; Tượng bồ tát Tara; Đài thờ Đồng Dương; Tượng thần Ganesha; Tượng Gajasimha; phù điêu Apsara; Tượng thần Shiva, phù điêu Đản sinh Brahma.


Bảo tàng Chăm là địa điểm thu hút du khách tham quan. Ảnh: Trung Hiếu


Kế thừa những giá trị di sản, những thế hệ tiếp nối nhau đã gìn giữ nguyên vẹn các bộ sưu tập hiện vật đồng thời phát huy các giá trị di sản quý báu đó thông qua sưu tầm, trưng bày giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến cộng đồng yêu thích văn hóa trong nước và thế giới. Các bảo tàng lớn trên thế giới thường xuyên mời Bảo tàng Chăm tham gia trưng bày, giới thiệu hiện vật.

Tiêu biểu là hợp tác triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Vienne (Áo) và bảo tàng lịch sử hoàng gia Brussels (Bỉ), với tên gọi “Việt Nam quá khứ và hiện tại”; tại Bảo tàng Guimet (Paris) với chủ đề “Kho tàng nghệ thuật Việt Nam – Điêu khắc Chămpa” (2005-2006); với bảo tàng Houston – bang Texas và bảo tàng Hội Châu Á – New York “Nghệ thuật cổ Việt Nam – Từ châu thổ ra biển lớn” (2009-2010). Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, hơn một lần Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York- Mỹ đã mời Bảo tàng Chăm tham gia trưng bày các tác phẩm điêu khắc tại các cuộc triển lãm quy tụ những nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại, mà hiện nay đã không còn tồn tại.

(Bài thuộc ấn phẩm Lao Động Xuân Miền Trung – Tây Nguyên 2025)

Nguyễn Trung Hiếu

Add Comment