Danh lam thắng cảnh đẹp tại Đắk Lắk

Biệt điện Bảo Đại
Tọa lạc ở vị trí gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, Biệt điện Bảo Đại nổi tiếng với kiến trúc đẹp và là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk.
 
Trong thời kỳ thực dân Pháp trở lại xâm chiếm Việt Nam, vua Bảo Đại nhà Nguyễn đã đến đây để nghỉ ngơi, săn bắn. Từ đó toà nhà có thêm tên Biệt điện Bảo Đại và được quen gọi đến ngày nay.
 
Sau ngày đất nước thống nhất 1975 toà nhà được sử dụng làm Nhà khách của Tỉnh ủy Đắk Lắk để đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta.
 
Với ý nghĩa và tính chất lịch sử của công trình, ngày 26/01/1999 Bộ Văn hoá Thông tin đã ra quyết định số 02/1999-QĐ/BVHTT công nhận Biệt điện Bảo Đại (nhà số 04 Nguyễn Du) là di tích lịch sử cấp quốc gia thuộc quyền quản lý của Nhà nước.
 
Hang đá Dak Tuar
 
Nằm cạnh dòng thác Dak Tuar cách trung tâm xã Cư Pui (huyện Krông Bông ĐắkLắk) về phía thượng nguồn chừng 6 km có một di tích lịch sử cách mạng, đó là Hang đá Dak Tuar.
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, Hang đá Dak Tuar là nơi đóng quân của Tỉnh ủy ĐắkLắk và các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh. Dựa vào địa hình hiểm trở, Tỉnh ủy và các cơ quan kháng chiến của ta đã chọn nơi đây để làm đại bản doanh lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết kháng chiến. Đế quốc Mỹ nhiều lần dùng máy bay ném bom, tổ chức nhiều cuộc càn quét hòng tiêu diệt căn cứ kháng chiến nhưng đều thất bại thảm hại.
 
Tháng 5-1965 từ Hang đá Dak Tuar, Tỉnh ủy đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc H9 vùng dậy phá ách kìm kẹp của địch, giải phóng một vùng đất rộng lớn về phía Đông của tỉnh, vùng đất này nay thuộc huyện Krông Bông. Từ vùng căn cứ cách mạng này, Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo quân và dân trong tỉnh kháng chiến, giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975, mở màn cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Ngày 3/8/1991, Hang đá Dak Tuar được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử. Sở Văn hóa – Thông tin ĐắkLắk cũng đã có dự án giữ gìn và tôn tạo lại khu di tích gồm : Hội trường Tỉnh ủy trong hang đá; nơi ở và làm việc của đồng chí Huỳnh Văn Cần, nguyên Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ. Qua khảo sát đã cho thấy khu di tích này có cả một hệ thống hang đá liên hoàn gồm nhiều tầng lớp ăn sâu vào lòng núi đủ chỗ ở cho hàng trăm sư đoàn.
 
Nhà đày Buôn Ma Thuột
Nhà đày Buôn Ma Thuột tọa lạc tại số 18 đường Tán Thuật – phường Tự An – thành phố Buôn Ma Thuột. Được xây dựng trong những năm 1930 – 1931, Nhà đày là nơi giam giữ, đày ải tù chính trị chủ yếu ở các tỉnh Trung kỳ…
Nhà đày Buôn Ma Thuột tọa lạc tại số 18 đường Tán Thuật – phường Tự An – thành phố Buôn Ma Thuột. Được xây dựng trong những năm 1930 – 1931, Nhà đày là nơi giam giữ, đày ải tù chính trị chủ yếu ở các tỉnh Trung kỳ. Tên gọi Nhà đày Buôn Ma Thuột một mặt bắt nguồn từ tên gọi do thực dân Pháp đặt: Pénitencier de Ban Mê Thuột, mặt khác là do tính chất, loại hình các nhà giam của thực dân Pháp. Nhà đày được xây dựng với tổng diện tích gần 2ha, với 4 bức tường bao quanh cao 4m, dầy 40cm, 4 góc đều có vọng gác và có lính canh 24/24 giờ. Phía trong có 6 dãy lao tập thể, các dãy xà lim… đây là nơi giam cầm, đày ải và thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng với một chế độ hết sức khắc nghiệt và tàn bạo.
Mô hình tái hiện cảnh giam cầm bên trong nhà đày Buôn Ma Thuột
Thế nhưng, vượt lên trên tất cả sự tàn bạo dã man của kẻ thù là tinh thần và ý chí đấu tranh kiên cường những người tù cộng sản. Họ đã biến nơi đày ải thành mặt trận đấu tranh mới, thành trường đào tạo về văn hóa, chính trị, lý luận quân sự. Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng là một trong những nơi ươm mầm hạt giống cho cách mạng. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã trưởng thành từ nơi này như đồng chí Võ Chí Công, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Phan Đăng Lưu… Năm 1980 Nhà đày được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
 
Trải qua năm tháng lịch sử, Nhà đày được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, vì vậy cảnh quan và cơ sở vật chất cũng có những thay đổi, xuống cấp, nên đã được trùng tu lại 2 lần vào năm 1992 và 2006.
 
Hiện nay nhà đày Buôn Ma Thuột thường xuyên mở cửa đón khách tham quan  đến học tập tìm hiểu về lịch sử của Đắk Lắk nói riêng và của Việt Nam nói chung.
 
Khu du lịch sinh thái Bản Đôn
Cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chừng hơn 40km về phía Tây có một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đó là khu du lịch sinh thái Bản Đôn thuộc địa phận xã Krông Na, huyện Buôn Đôn – nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Ðê, M’nông, Gia rai, Lào, Thái… Buôn Ðôn cũng đã và đang trở thành một thương hiệu nổi tiếng của du lịch Đắk Lắk và Tây Nguyên nói chung.
 
Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng Lào, nghĩa là làng Ðảo, vì luôn được lập bên cạnh con sông Sêrêpốk có nhiều đảo nhỏ nổi giữa dòng nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. Một bên sông là cuộc sống cộng đồng buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Ðôn đầy bí ẩn, kỳ thú và như còn vang vọng những âm thanh hào hùng của các cuộc săn voi từ xa xưa. Dưới con mắt những nhà chuyên môn, Buôn Ðôn có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác cả hai loại du lịch: du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Nơi đây có Vườn quốc gia Yok Ðôn rộng hơn 100.000 ha là bảo tàng phong phú về động thực vật tự nhiên.
 
Từ Buôn Ma Thuột, du khách có thể đến Bản Đôn bằng ôtô hoặc xe máy trên những con đường rải nhựa. Phong cảnh Tây Nguyên trải dài trước mắt với những vườn cây ăn quả, cây cà phê mướt xanh và những cánh đồng ngô bạt ngàn.
 
Chẳng mấy chốc, Bản Đôn hiện lên với rực rỡ các sắc màu đủ loại trang phục thổ cẩm của đồng bào dân tộc M Nông, Ê Đê… Đây đó, ta bắt gặp những chú voi cao to ngạo nghễ dạo bước ngoan ngoãn dưới sự chỉ huy của người quản tượng. Tới đây, du khách  không thể không đi một vòng cầu treo bắc qua sông Sêrêpốk – con sông duy nhất của Việt Nam chảy ngược về phía Tây; ngắm những cây si cổ thụ và nhìn dòng nước sùng sục cuồn cuộn chảy. Bên kia cầu là Vườn Quốc gia Yok Đôn điệp trùng, ẩn chứa nhiều sự kỳ thú. 
  
Hiện nay, thương hiệu du lịch Buôn Đôn đang được 3 đơn vị khai thác. Từ Trung tâm huyện Buôn Đôn đi vào khoảng 15km, rẽ tay trái chừng 500m bạn sẽ gặp trước tiên là Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn, đây là công ty đang khai thác Làng đảo Bản Đôn và thác Bảy Nhánh. Đến đây, quý khách được thưởng thức những cảnh đẹp tuyệt vời của Làng Đảo, cũng cầu treo, ngắm thác bảy nhánh, thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng Tây Nguyên trù phú và đặc biệt là được ngắm ngôi nhà dài hàng trăm mét của đồng bào Tây Nguyên.
 
Bảo tàng văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk
Bảo tàng văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tọa lạc tại số 12 Lê Duẩn, thành phố Buôn Ma Thuột, được xây dựng năm 2008 có chiều dài 130m, rộng 65m, diện tích sử dụng 9.200m², vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng, được xây dựng 02 tầng theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Tây Nguyên.
 
Với quy mô đó, Bảo tàng văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk là một trong những bảo tàng lớn, hiện đại của cả nước. Bảo tàng có khoảng 1.000 hiện vật và hình ảnh, được tổ chức thành 3 không gian trưng bày chính (đa dạng sinh học, văn hóa dân tộc và lịch sử). Công tác trưng bày trong bảo tàng thể hiện những quan niệm bảo tàng học tiên tiến và phương pháp trưng bày hiện đại. 
Đặc biệt, Bảo tàng văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk là một trong những bảo tàng đi tiên phong trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiếu số bản địa trong việc trưng bày. Bên cạnh tiếng Việt, Pháp và Anh, Bảo tàng còn sử dụng ngôn ngữ Ê đê và cả ngôn ngữ các dân tộc khác trong tên gọi những hiện vật của chính họ. Bảo tàng văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk được hoàn thành là một sự kiện có ý nghĩa trong đời sống văn hóa-xã hội của tỉnh, thể hiện sinh động chính sách dân tộc và sự quan tâm đến mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
 
Bảo tàng văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk được thi công từ năm 2008 do sự hỗ trợ của Dự án “Phát huy di sản Bảo tàng Việt Nam”, sự hợp tác của Chính phủ nước Cộng hòa Pháp, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…
 

Add Comment