Du lịch Đắk Nông cùng ngắm những dòng thác hùng vĩ

Hùng vĩ Đắk G’lun
 
Từ độ cao 58m, hai dòng nước lớn đổ một góc 90 độ từ đỉnh thác xuống những tảng đá phủ đầy rêu xanh giống như mái tóc mượt mà của nàng tiên khoe sắc giữa chốn rừng xanh, núi thẳm…
 
Khoảnh khắc ấy khiến chúng tôi choáng ngợp trước sự hùng vĩ của thác Đắk G’lun (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, Đắk Nông), một trong những thác nước đẹp và cao nhất Tây nguyên.
 
Chặng đường từ thị xã Gia Nghĩa đến thác Đắk G’lun khoảng 50km với hai bên đường bạt ngàn những rẫy cà phê và hồ tiêu.
 
 
Theo đồng bào M’Nông sống quanh khu vực thác Đắk G’lun thì ngọn thác có từ ngàn đời nay, gắn với rất nhiều truyền thuyết dân gian, trong số đó có câu chuyện tình thủy chung của đôi trai gái người M’Nông. Ngày nay, đỉnh và chân thác vẫn còn nơi hẹn hò của những đôi trai gái yêu nhau.
 
Đắk Mil – Đà Lạt thu nhỏ của Đắk Nông
 
Đắk Mil là thị xã thuộc tỉnh Đắk Nông, cách TP HCM khoảng 300 km, cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 60 km. Nơi đây có khí hậu trong lành mát mẻ, cảnh sắc thanh bình.
 
 
Đắk Mil không thích hợp cho những ai thích sự sôi động, náo nhiệt cần có nhiều chỗ vui chơi, giải trí. Đắk Mil thích hợp cho việc trải nghiệm và nghỉ ngơi. Khu vực hồ Tây là nơi tập trung nhiều người dân đến vui chơi nhất. Hồ rất rộng và đẹp, xung quanh có những quán cà phê với tầm nhìn ra hồ. Cà phê tại đây rất ngon, đậm đặc, khác hẳn đồ uống ở TP HCM.
 
 
Con đường bên hông hồ Tây vào khu vực bệnh viện huyện rất đẹp, với những vườn cà phê hai bên đường. Bạn nào thích chụp hình có thể đến đây. Nếu chịu khó lang thang trong những con đường đất đỏ, làng của người dân bản địa, bạn sẽ có những bộ ảnh tuyệt đẹp về đời thường, phong cảnh.
 
Vịnh Hạ Long thu nhỏ ở Đắk Nông
 
Đó là 47 hòn đảo hoang sơ được bao quanh bởi núi rừng trùng điệp tạo nên cảnh hoang sơ, vừa lạ lẫm, vừa thi vị nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Đắk Glong, Đắk Nông).
Từ thị xã Gia Nghĩa, theo quốc lộ 28 di chuyển khoảng 50km, đến địa phận xã Đắk Som là gặp Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Chúng tôi chọn cách đi “phượt” bằng xe máy để khám phá đảo hoang, bởi đồi núi và phong cảnh hai bên đường cũng tạo nên những cảnh đẹp khó nơi nào có được.
 
Càng gần điểm đến, không khí càng trở nên mát mẻ bởi những rừng cây hai bên đường. Khung cảnh thanh bình, xe lướt êm trên những cung đường uốn lượn quanh những sườn đồi phủ xanh cây rừng.
 
Đến gần lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, từ trên cao ngắm hàng chục hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô và thả hồn vào thiên nhiên, mới thấy có người ví von đây là “Hạ Long của Tây nguyên” cũng không quá. Chỉ phải nói thêm cái “chất rừng” thì khó có nơi nào có được.
 
 
Mặt trời lên cao nhưng sương núi vẫn còn lảng vảng “treo” mình trên những cánh rừng. Trong không gian mờ sương, đứng nơi cao của đảo xòe tay ra, cứ ngỡ như vốc được hàng nắm sương. Cả nhóm lặng người trước không gian yên bình đang mở ra trước mắt.
 
Từng tia nắng chiếu xuyên qua những đám mây lười biếng khiến mọi thứ như chậm lại. Thật chậm rãi và bình lặng…
Thác Draysap
 
Mùa khô, dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng không quá dữ dội để tạo thành những đám mây bụi nước bay là đà như sương khói, nhưng cũng đủ đọng lại thành một hồ nước trong trẻo, in hình bóng mây trời, bóng lá, bóng cây…
 
 
Mùa khô ở đây cũng đầy những tán cây cổ thụ trụi lá giơ cành khẳng khiu lên trời trong khi trời Tây nguyên thì xanh một màu mênh mông. Nhưng nhờ có nước, nên chen trong những thân cây trụi lá, vẫn còn một số cây còn giữ lại những tán lá xanh mướt.
 
Rồi đối lập với nhau là những mảnh xanh mướt của một số cây cổ thụ và các loài cây tán thấp tạo ra một bảng màu cây lá khác biệt nhau.
Draysap nằm trên dòng chảy của sông Sêrêpốk, thuộc xã Nam Hà, huyện Krông K’nô, Đắk Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuộc 30km về hướng Nam.
 
Theo tiếng dân tộc Êđê, Draysap có nghĩa là thác khói (dray là thác, sap là khói) vì dòng nước hùng vĩ từ trên cao đổ xuống thung lũng tạo thành một khối lớn bụi nước bay là như màu sương khói.
 
 
Nhưng Draysap còn có tên gọi nữa là thác chồng, và cách đó không xa là thác Draynur (thác Vợ), thuộc Đắk Lắk.
 
Từ lâu, cụm thác Draysap – Gia Long – Trinh Nữ nằm trên địa bàn hai huyện Cư Jút và huyện Krông Nô, với diện tích khoảng 1.655ha, đã trở thành điểm tham quan du lịch tại Đắk Nông.
 
 
 
Vào ngày đầu năm thác vô cùng vắng để một khách nhàn du như tôi có thể thỏa mãn ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của một dòng thác nhuốm màu tình cảm, như truyền thuyết về một mối tình đẹp của đôi nam nữ bị chia cắt giữa một dòng chảy mênh mông.
 
 

Add Comment