Bình Dương có miễu Ông Cù được rất nhiều người biết đến. Từ Biên Hòa – mà cụ thể là từ nhà tui – đi tới miễu Ông Cù rất gần, chỉ hơn 10 km. Qua cầu Hóa An xong quẹo phải (DT16) theo hướng đi Tân Hạnh, Tân Ba và cứ như vậy đi riết tới chừng gặp đường Võ thị Sáu thì quẹo phải độ hơn 300 met thì thấy miễu Ông Cù bên tay trái.
Ngay cổng tam quan của miễu Ông Cù ta đọc được tên của cơ sở tín ngưỡng này, không phải một mà nhiều tên. Tên chính thức hiện nay là đình Tân Phước Khánh hay đình thần Bưng Cù, ghi ở giữa cổng. Cổng bên trái ghi tên đầu tiên là Miễu Ông Cù có từ 6 tháng 6 năm 1940 (điều buồn cười là ghi nguồn tra cứu Theo Google Maps!!!). Cổng bên phải ghi tên Đình thần Bưng Cù – Tân Khánh Thôn theo sắc phong ngày 29 tháng 11 năm 1852 của vua Tự Đức).
Xuất xứ của mỗi tên gọi như sau (phần này ghi theo website của huyện Tân Uyên, nơi ngôi đình tọa lạc):
- Miễu Ông Cù: Tên gọi này vẫn còn rất phổ biến và nó trở thành một mốc địa danh để xác định vị trí địa lý vùng Tân Phước Khánh, Bình Chuẩn, Thái Hòa. Trước kia đình chỉ là một ngôi miếu nhỏ được dân làng lập lên để thờ con vật có tên “con Cù”, gọi là Miễu Ông Cù.
- Đình Bưng Cù: Tên gọi này bắt nguồn từ Miễu Ông Cù được ông quan tổng Nguyễn Văn Thu người vùng chợ Tân Khánh và bà con 2 làng Tân Khánh và Phước Lộc xây lại một ngôi đình rộng rãi, khang trang hơn để thờ thần, thánh, tổ tiên, các bậc tiền bối.
- Đình Tân Phước Khánh: Tên gọi đặt theo tên phường Tân Phước Khánh. Đình thuộc làng Tân Khánh – Bà Trà, tổng Bình Thiện, huyện Bình An, tỉnh Thủ Dầu Một xưa. Nay là thị trấn Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Năm 1926, làng Tân Khánh và làng Phước Lộc sát nhập thành một và lấy tên là Tân Phước Khánh.
Con cù là con gì?
Con cù là một con vật huyền thoại, được lưu truyền qua lời kể của người dân. Theo truyền thuyết, con cù là cá sấu tu luyện lâu năm hoặc là một loại rồng không có sừng, rất to. Con vật này nằm im một chỗ, có đất bồi bên trên thành cồn, nhiều năm trôi qua, đất lấp kín lại… Đến khi nó bật dậy, chỗ nó nằm biến thành sông, suối, chỗ đất bị tung lên biến thành cồn.
Để tránh thảm họa do cù gây ra, các thương nhân Nhật ở Hội An đã góp tiền của đúc một thanh kiếm bằng vàng rồi “yểm” đúng vào sống lưng con cù ở giữa một lạch nước, không cho “cù dậy”. Sau khi đóng thanh kiếm xuống lưng cù, người Nhật bắt đầu xây dựng bên trên một chiếc cầu có mái che vắt ngang qua con lạch . Đó chính là Chùa Cầu Hội An ngày nay.
Vào tiết xuân, không nhớ rõ năm nào, cách đây trên khoảng 200 năm, trên vùng Tân Khánh – Bà Trà có ông Phạm Văn Thuận ra suối vỡ đất làm ruộng cấy lúa, trưa nắng ông lên nghỉ mát ở dưới gốc cây Sến. Lúc bấy giờ có một người gốc Huế từ ngã 3 chợ Tân Ba đi ngang và ghé ngồi nghỉ cùng ông. Người này nói: Trước đây, tại nơi này có con Cù tu dậy thành con suối nước chảy ra sông Đồng Nai; ngọn vô tới mạch Nhà Thơ, có đặt bọng tre cho nước chảy ra. Làng Phước Lộc (nay là một phần Bình Phước B, Bình Chuẩn) đến lệ Kỳ Yên xuống gánh nước về dùng. Tục truyền rằng: Cả làng đều uống dòng nước này.
Sau khi nghe vậy, ông Phạm Văn Thuận rủ bà con xóm làng, phát quang một mảng rừng cất lên Miếu Ông Cù để thờ cúng.
Khách quan mà nói, kiến trúc miễu Ông Cù/đình Bưng Cù quá đơn sơ, không có gì đặc sắc và thực chất đây là công trình xây mới, không phải kiến trúc cổ đáng quan tâm. Tuy nhiên những câu chuyện văn hóa, lịch sử về ngôi miếu thì lại rất phong phú. Chẳng vậy sao chỉ mới chuyện về cái tên miễu thôi đã kể dài dòng từ nãy tới giờ.