Mang những nét hoang sơ, thiên nhiên Cao Bằng đẹp một cách sững sờ. Những dòng sông lững lờ xanh biếc, hay những con đèo ngoằn ngoèo vắt qua những ngọn núi tạo nên một khung cảnh non nước thơ mộng, trữ tình.
Thác Bản Giốc
Đầu Đông, khi những cơn mưa chuyển mùa đổ về cũng là lúc những dòng thác ở Bản Giốc từ trên cao trắng xóa ào ào đổ xuống qua mấy tầng bụi mù hơi nước với hai bên những ngọn núi đá vôi càng làm nổi bật vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ nổi tiếng của thác Bản Giốc.
Truyền thuyết kể rằng, có người con gái đẹp tuyệt trần được tiến vua nhưng liều mình trốn thoát cùng người mình yêu. Sau khi tìm được nhau, họ cùng chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Dân bản chứng kiến trời đổ mưa tầm tã cả tuần liền.
Nước ngập khe suối, không ai dám ra ngoài vì mưa to kèm sấm sét dữ dội. Kỳ lạ thay, khi mưa tạnh, người ta thấy có hai ngọn thác lớn đổ nước trắng xóa phía bên cạnh bản. Dưới chân thác, mặt nước lại trong xanh hiền hòa như không vướng víu bụi trần. Kể từ đó, người dân gọi nơi đây là thác Bản Giốc để tưởng nhớ về một thời gái bản tiến vua, cũng là niềm tự hào của người Tày với sắc đẹp trời ban.
Ngày nay, Thác Bản Giốc được xem là dòng thác đẹp nhất Việt Nam, nằm trên đường biên giới Việt – Trung, giữa khung cảnh núi non trùng điệp còn đậm nét nguyên sơ. Bản Giốc còn được vinh danh là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới quốc gia.
Động Ngườm Ngao
Nằm ở bản Gun, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Theo tài liệu khảo sát của Hội khảo sát Hoàng gia Anh vào năm 1995 thì động Ngao có chiều dài 2.144m. Động gồm ba cửa chính là: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm (tức cửa gió, quanh năm mát lạnh) và cửa Bản Thuôn phía sau núi thuộc Bản Thuôn.
Khách tham quan sẽ choáng ngợp trong một không gian rộng lớn, với những dải thạch nhũ kỳ kiệu lung linh sắc màu, những tượng đá quyến rũ sức tưởng tượng của con người, những dải san hô khổng lồ, những hình ảnh kì thú giống như cây tơ hồng, bầu sữa mẹ, con cóc thần, cây đàn đá… Nét độc đáo làm nên “tên tuổi” danh thắng Ngườm Ngao là những thửa ruộng bậc thang do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa nhiều triệu năm tạo thành, đặc biệt là Bông sen vàng úp ngược, đây thực sự là một kiệt tác của tạo hóa, những cánh hoa như được gọt giũa công phu tỉ mỉ đạt đến độ hoàn mỹ…
Tất cả những cảnh vật trên đều do thiên nhiên tạo ra từ nhũ và măng đá vôi, không hề có sự can thiệp sắp đặt của con người nhưng chúng hiện lên vô cùng sinh động, quyến rũ. Hiện nay, Động Ngườm Ngao đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Hồ Thăng Hen
Thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng ở độ cao hàng nghìn mét so với mặt biển, Hồ Thăng Hen là một hồ đẹp trong số 36 hồ lớn nhỏ trong vùng rừng núi của huyện Trà Lĩnh. Nằm ở giữa một vùng núi non và màu xanh của cây vươn mình trên các vách đá cheo leo soi bóng xuống mặt nước trong, uốn lượn theo lòng lũng mấp mô những mỏ đá ngầm. Hồ Thăng Hen có hình thoi, rộng từ 100m đến 300m, dài từ 500m đến 1.000m. Phía đầu nguồn là một cái hang rộng, từ trong hang nguồn nước chảy ra suốt ngày đêm.
Một điều đặc biệt kỳ thú khi người dân nơi đây cho biết cứ vào khoảng 10 năm một lần, bỗng dưng nước hồ Thăng Hen cạn gần hết và chỉ sau một vài ngày nước lại dâng lên. Và ấn tượng nữa là khi vào mùa lũ nước hồ Thăng Hen vẫn giữ được màu xanh ngọc bích đặc trưng, trong khi các hồ khác trong vùng chuyển màu đỏ lựng.
Hồ Thang Hen có huyền thoại rất thú vị. Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa ở Cao Bằng có một chàng trai tên là Sung thông minh tuấn tú. Chàng thi đỗ làm quan và được vua ban thưởng bảy ngày vinh quy bái tổ. Về quê, chàng kết hôn cùng nàng Boóc xinh đẹp. Mải quyến luyến bên người vợ xinh đẹp mới cưới, chàng quên mất ngày trở về kinh. Đến đêm thứ bảy chàng mới sực nhớ, vội chia tay vợ và bố mẹ chạy về kinh. Giữa đêm tối trong rừng hoang, Chàng chạy được 36 bước chân thì ngã đầu đập vào núi rồi chết. 36 bước chân của chàng ngày nay là 36 cái hồ lớn nhỏ với những tên gọi khác nhau của tiếng địa phương thuộc huyện Trà Lĩnh. Tương truyền rằng nơi chàng nằm xuống chính là hồ Thang Hen ngày nay.
Động Dơi
Người dân địa phương vẫn gọi là Ngườm Ca Khào – có nghĩa là hang con dơi, thuộc xóm Lũng Rúm, xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Năm 2014, Động Dơi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là thắng cảnh Quốc gia.
Với hơn 900m đã được cơ quan chuyên môn khảo sát, tham quan, cho thấy Động Dơi hứa hẹn là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách xa gần, bởi những bí ẩn hấp dẫn của đá và sự trải nghiệm. Lòng động là một không gian rộng lớn và tưởng như tất cả những kiệt tác nhũ đá được gom hết tại đây để du khách chiêm ngưỡng, đó cũng là kết quả hàng triệu triệu năm, bởi thạch nhũ được hình thành chỉ với tốc độ 0,13mm/1 năm.
Động Dơi để lại ấn tượng cho du khách khi đi du lịch là sự lung linh huyền ảo của Thạch nhũ khi bắt gặp ánh sáng, đã tạo nên những khu châu báu, tòa tháp nguy nga, tráng lệ; ấn tượng về một không gian rộng lớn càng vào sâu càng mở rộng ra, có khoang được “thiết kế” hai tầng với các cây măng đá khổng lồ và sự chằng chịt của các nhũ đá gợi hình rừng cây, hoa lá khiến ta không khỏi liên tưởng đến vườn treo Babilon nổi tiếng ở Ai Cập thời cổ đại. Du khách được trải nghiệm, phát huy trí tưởng tượng của mình khi qua rừng măng đá muôn hình muôn vẻ, sau đó lại đến bên một hồ nhỏ có độ sâu 6m, đường kính miệng khoảng 15m, đến mùa mưa nước thẩm thấu nhiều hơn làm nước trong hồ dâng cao, đây là một trong những điểm nhấn của không gian Động Dơi. Một điểm nhấn nữa là những cây măng đá khổng lồ từ dưới đâm lên hay từ trên chĩa xuống, khi đó con người trở nên nhỏ bé biết bao…
Và những cảnh đẹp khác:
Và những cảnh đẹp khác:
![]() |
Đường về Đông Khê |
![]() |
Đèo Mã Phục |
![]() |
Đường vào biên giới |
![]() |
Sông Gâm, đoạn qua Bảo Lạc, Cao Bằng |
![]() |
Sông Quây Sơn |