Kiến trúc “phục chế” cảm xúc Đông Dương

Thập niên 90 của thế kỷ trước, là giai đoạn hoài niệm Đông Dương. Nói chính xác hơn, trước đó, khi cả thếgiới đã lồ lộ, đã được khai phá hết, thì Đông Dương vẫn đóng cửa. Đầu những năm 90, Việt Nam mở cửa, Campuchia bắt đầu hết chiến tranh…, các giá trị Đông Dương bỗng tái xuất hiện, vừa nguyên sơ, vừa quen thuộc, vừa lạ lẫm…, một vùng đất chưa được khám phá!


Tổng giám đốc Victoria Angkor, Christian Decaudin trong vai một ông Tây thuộc địa chụp tại đền Angkor

Nhưng, riêng với người Pháp, từ đúng hơn phải là, vùng đất chưa được… tái khám phá. Đông Dương, ngày họ phải chia tay (năm 1954) đến lúc ấy đã tròm trèm 40 năm, khoảng thời gian vừa đủ để ra đời một thế hệ mới, nhưng chưa đủ để nguôi những ký ức về vùng đất đầy kỷ niệm lạ lùng này. Bỏ qua những mảng tối của lịch sử, nói cho công bằng, họ đã tạo ra một cuộc hôn phối khá lạ giữa phong cách Pháp ôn đới (kiến trúc, y phục, ẩm thực, ngôn ngữ…) với một vùng đất ẩm thấp nhiệt đới, rừng già, sông rạch, núi đồi, răng đen, tóc quấn đuôi gà, cải lương, đàn bầu… Phong cách đó, nỗi nhớ đó, huyền bí nhưng quen quen, như đã từng có, từng mất, chập chờn gợi cảm và rất… lôi cuốn, rất mê hoặc. Nó thôi thúc quay lại.

Tất cả những ký vãng trên là điều kiện số một cho du lịch.

Điều kiện thứ hai là xu thế và thời thượng. Và, chúng ta đều biết rằng công cụ truyền thông tạo ra thời thượng mạnh nhất là điện ảnh (một bộ phim về một vùng đất nào đó có thể tạo ra những cuộc “hành hương” của người hâm mộ). Chính trong thập niên này đã xuất hiện những bộ phim “dữ dằn” nhất về Đông Dương. L’Indochine, một ký ức về Đông Dương Bắc bộ Việt Nam với Catherine Deneuve. L’Amant (Người tình), một Đông Dương Nam bộ vọng cổ. Dien Bien Phu, một Đông Dương bi trầm…

Người Pháp Jean-Francois Hénin, chủ đầu tư của chuỗi Victoria đã đến Việt Nam vào đúng lúc đó. Trong giai đoạn này, ông là chủ tịch kiêm tổng giám đốc của tập đoàn EEM (Électricité et Eaux de Madagasca: tập đoàn Điện và Nước Madagasca), một cái tên cho thấy gốc gác xuất thân từ các vùng thuộc địa cũ (như bia BGI tại Việt Nam vậy).

Đánh giá được thời cơ trên cộng với lòng yêu mến Đông Dương, ông Hénin đãquyết định đầu tư tại Việt Nam chuỗi hotel, resort và spa mang tên Victoria. Trong ba năm liên tiếp từ 1997-1999, bốn khách sạn ra đời (Victoria Phan Thiết, tháng 3 năm 1997; Victoria Sapa, tháng 3 năm 1998; Victoria Cần Thơ, tháng 10 năm 1998; Victoria Châu Đốc, tháng 11 năm 1999). Nhịp thứ hai của đợt đầu tư này là Victoria Hội An, tháng 4 năm 2001; và Victoria Angkor, tháng 12 năm 2003.

Nhưng, dường như ông Hénin không chỉ là nhà đầu tư phòng ở khách sạn để đáp ứng một nhu cầu, mà ông thật sự là một nhà du hành, khám phá, khi quyết định đầu tư xây dựng một chuỗi hotel và resort có dấu ấn kỳ thú của tính khám phá: Không xây khách sạn ở các thành phố lớn mà đi đến những vùng heo hút nổi tiếng như Sapa, Hội An, Mekong Delta, Châu Đốc, Đế thiên Đế thích… Rõ ràng, Victoria có một góc nhìn kinh doanh rất mới, đó là chủ trương nhìn một quốc gia từ phía sau (thay vì mặt tiền ở các thành phố lớn). Không những thế, họ còn biết tận dụng thế mạnh của kiến trúc để phục chế lại bản sắc văn hoá của tất cả các địa điểm Đông Dương mà họ đầu tư; qua đó tạo ra một sự khác hẳn cho thương hiệu Victoria so với các khách sạn thông thường khác.

Tiền sảnh khách sạn Victoria Angkor, Campuchia, đượm khí vị kiến trúc Đông Dương

Sự xuất hiện của gỗ trong toà nhà, cùng với kết cấu mái theo phong cách thái, khẳng định khuynh hướng Anh-Ấn của kiến trúc khách sạn

Dù nằm giữa trung tâm thành phố Siem Reap nhưng Victoria có đầy đủ cảnh quan của một khu resort với hồ bơi và cây xanh, lối đi nhỏ trữ tình…

Bố trí giữa các phòng tạo sự yên tĩnh và thoáng đãng

Victoria Angkor tác phẩm mới nhất của Victoria

Hai đặc điểm rõ nhất của Victoria Angkor là: 

1/ Về kiến trúc, công trình này tuy mang phong cách kiến trúc thuộc địa, nhưng nghiêng về Anh-Ấn (Anglo-Indo) nhiều hơn là Pháp Đông Dương; 

2/ Về công năng, đây là một loại Urban Resort (khu nghỉ dưỡng đồng nội nhưng toạ lạc ngay trung tâm thành phố Siem Reap).

Tại sao là phong cách thuộc địa Anh-Ấn? Thoạt nhìn, kiến trúc của khu khách sạn mang âm hưởng như kiểu “biệt thự Pháp”, nhưng cái khác lớn nhất đó là gỗ và kết cấu mái. Khối nhà xây đã được bọc gỗ với tỷ lệ hơn một nửa, không chỉ là đầu hồi, ban công, mà là các cây cột ở ban công, không chỉ toàn bộ cửa sổ chớp mà cả một tầng lầu được bọc bằng gỗ, tất cả được chạm trổ công phu, chi tiết, cầu kỳ…

Các ngôi nhà xây kiểu kiến trúc thuộc địa dùng rất nhiều gỗ và chạm trổ này, là sự pha trộn của kiến trúc thuộc địa của người Anh với các vùng thuộc địa nhiều gỗ và giỏi chạm trổ của Ấn Độ, Miến Điện, Mã Lai… Ta thường gặp loại nhà này ở Mã Lai, Ấn Độ, Thái Lan…, còn tại Đông Dương, nhà “biệt thự Pháp” thường là nhà xây với tỷ lệ dùng gỗ không cao, đặc biệt không chạm trổ cầu kỳ tinh xảo mà thường mộc hơn. Riêng ở cấu tạo mái, ta gặp ngay thức mái kiểu Thái với kết cấu nhiều lớp mái chồng lên nhau có nét uốn cong, thanh thoát.

Về công năng, theo định nghĩa của công ty tư vấn khách sạn hàng đầu Pannel Kerr Forster: “… Resort là khu nghỉ dưỡng thường nằm ở vùng ngoại ô hay nông thôn vắng vẻ, yên tĩnh với nhiều dịch vụ nghỉ và thư giãn cho khách…”. Trong trường hợp Victoria Angkor ta gặp một phát triển mới của khái niệm resort cũ, đó là Urban resort, tức là một khu nghỉ dưỡng kiểu resort nhưng lại nằm ngay trung tâm thành phố.

Bạn sẽ gặp ở đây, một dãy nhà 3 tầng – gồm 130 phòng nghỉ bố trí tách biệt như những bungalow ở Phan Thiết – quây quanh một hồ bơi rộng với nước trong hồ là nước biển (thật ra là nước biển nhân tạo được pha trộn tự động giữa nước với hàm lượng muối thích hợp). Khoảng cách giữa dãy phòng ở và hồ bơi được khéo léo đắp đất và cỏ cao cao như một triền đồi và trồng rất nhiều cây tạo nên những lối đi quanh co dẫn xuống hồ. Ở các góc khuất, người ta tạo các hồ ngâm sục nước Jacuzzi, các lều nhỏ khuất để massage…

Như thế là, một vị trí toạ lạc ngay Công viên Hoàng gia trung tâm thành phố Siem Reap (và thành phố này nằm sâu trong lãnh thổ Campuchia cách biển hàng mấy trăm cây số) bạn có thể vừa đi thăm kỳ quan thế giới Angkor, vừa được bơi lội trong nước biển giữa một ốc đảo xanh mát, vừa có thể ra phố ăn món xúp Khmer truyền thống…

Victoria Châu Đốc nằm trên vùng biên địa Việt Nam – Campuchia ngay trên đầu nguồn sông Hậu

Victoria Sapa đượm phong cách của một resort trên vùng cao nguyên Tây Bắc

Victoria Hội An thiết kế theo dáng của khu phố cổ với hai chiếc xe “buýt” thập kỷ 30, 40 của thế kỷ 20

Dùng kiến trúc để phục chế những hoài niệm


Con người luôn có những ký ức và thường hoài vọng về nó. Ngôi nhà xưa bên dòng sông Cửu Long với tiếng đò máy túc tắc mỗi chiều làm cho mãi sau này lúc nào ta cũng đau đáu nhớ về nó. Hình ảnh những ruộng lúa bậc thang xanh mướt, với khói nương chiều ấm áp trên cao nguyên Tây Bắc mà chúng ta đã từng thấy hoặc từng cảm qua thi ca, âm nhạc…, làm chúng ta mãi bồi hồi.

Nhưng thường thì chúng ta chỉ dừng lại ở… mơ thôi, còn những nhà khai phá của Victoria thì hình như muốn đi trọn hết cảm xúc đó, họ muốn biến điều đó thành hiện thực, đem giới thiệu nó cho nhiều người thông qua phương tiện du lịch. Nên sẽ thật xúc động nếu bạn ngồi trên ban công của Victoria Sapa nhìn xuống phố thị ấy, bạn sẽ nhận ra đích thị là hình ảnh mà bạn đã từng mơ vềSapa, một vị trí tuyệt đẹp nằm trên cao, ngay đối diện với ngôi thánh đường nhỏ thời Pháp thuộc tiêu biểu của Sapa, và tuyệt hơn nữa là bạn được ngắm cái ký ức đó trong một không khí sang trọng, ấm cúng, sạch đến thanh khiết của một khách sạn-resort 4 sao!

Còn ký ức về Cửu Long ư, xin thưa, bạn có thể vừa thư giãn massage ở Spa Pavillion của Victoria Cần Thơ vừa lim dim nghe tiếng đò máy túc tắc qua lại, vì chiếc lều massage của bạn đặt ngay bên ngã ba – nơi sông Hậu và sông Cần Thơ gặp nhau, chếch bên kia bờ là Tây đô thấp thoáng.

Còn cảm giác về vùng đất biên địa Tây-Nam đất nước, nơi ngày xưa Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế phân định hai nước Việt-Campuchia, nơi mà mỗi mùa nước nổi ta nghe dự báo “mực nước ở Tân Châu, Hồng Ngự lên 2 m…”, vì là nơi đầu nguồn sông Mekong đổ vào Việt Nam…, bạn sẽ nhận ra cụ thể tất cả điều này khi đứng bên ban công phòng mình ở Victoria Châu Đốc nhìn ra ngã ba sông Hậu gặp kênh Tân Châu đổ vào sông Tiền; hay trên Victoria Núi Sam nhìn xa xa thấy kênh Vĩnh Tế và hàng cây làm mốc biên giới Việt-Campuchia… Và, cũng như ở Sapa, bạn có thể vừa ngắm, vừa mơ, vừa nhắm rượu vang Bordeaux đặt làm riêng dưới nhãn hiệu Victoria có hình của khách sạn Châu Đốc mà bạn đang ngồi!

Các nhà khai phá Victoria thật sự là bậc thầy trong việc chọn lựa và khám phá những địa điểm hết sức “ác liệt” để “phục chế” lại nguyên bản cảm xúc về những góc Đông Dương mà trong chúng ta hay trong những người Pháp hoặc người phương Tây nào đã từng có về nó.

Nội thất các phòng được thiết kế đa dạng theo phong cách sống đầu thế kỷ 20 tại các thuộc địa

Nội thất sảnh đón khách là sự hoà quyện của phong cách Đông Dương với phong cách Khmer (ảnh dưới)

Bài: Lưu Vĩ Lân – Ảnh: Trần Việt Đức

Add Comment