Chiều muộn, tụi tui rời trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen. Đi về thì hơi sớm nên bạn đề nghị ghé thăm một ngôi làng dân tộc gần đó.
Lối vào làng đây. Chiếc cổng nhỏ mang đậm màu sắc Tây nguyên ghi Làng Văn hóa Du lịch Cộng đồng Kon Pring.
Xe dừng ở khuôn viên nhà rông để mọi người đi bộ vào làng. Tui ngoắc hỏi một đứa nhỏ cỡ 5 tuổi đang đi chơi ở đó rằng người ở đây thuộc dân tộc gì. Nghe nó trả lời xong, tui reo lên thuyết minh với cả nhóm: Ở đây là người M’nông.
Thằng nhỏ rụt rè giương mắt ngó tui, lẩm bẩm: M’năm, M’năm!
Tui lại thuyết minh tiếp: Nó còn nhỏ, phát âm chưa tốt nên đọc M’nông thành M’năm. (Dù rằng lúc đó tui hơi ngờ ngợ vì rằng người M’nông chủ yếu sống ở Đắk Nông, Đắk Lắk chớ làm gì có ở Kon Tum).
Chiều tối về khách sạn, tui coi lại hình và search trên mạng để tìm thêm thông tin và bật ngửa: Thằng nhỏ nói đúng, tui nghe trật. Sống ở làng Kon Pring là người M’năm, một nhánh của người Xê Đăng. Không phải M’nông.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (xã Đăk Long) là một trong bốn làng văn hóa du lịch cộng đồng của huyện Kon Plông. Làng nằm dọc theo Quốc lộ 24, cách trung tâm huyện lỵ 3 km về hướng đông. Cư trú nơi đây là cộng đồng người M’năm, một nhánh của người Xê Đăng.
Kon Pring không chỉ có cảnh quan đẹp mà bà con nơi đây còn gìn giữ nhiều nét văn hóa mang đặc trưng riêng của người Mơ Nâm nơi đây như: Nhà rông, nhà sàn, cồng chiêng,các nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát mây tre và nét ẩm thực mang đậm chất dân gian.
Bên cạnh đó, hệ thống lễ hội của người dân tộc Xê Đăng ở đây diễn ra quanh năm. Trong đó phải kể đến lễ gieo mạ, lễ hội máng nước, lễ ăn lúa mới, lễ đóng cửa kho lúa, lễ hội mừng nhà rông… và các nghi lễ vòng đời người như: hỏi cưới, sinh đẻ, trưởng thành, qua đời…
Vậy là tui tới thăm làng Kon Pring chỉ ở mức cỡi ngựa xem hoa, ủa lộn, đi bộ xem làng. Nhưng không sao, coi như bonus mà, đáng lẽ đi về rồi nhưng vẫn còn có dịp đi dạo miền thôn dã trong buổi chiều tà là quá sướng rồi!