Trekking núi Cấm thuộc thị xã Tinh Biên, du khách đi qua các cánh đồng, rừng, thác nước và những ngôi chùa, ngắm miền Tây từ đỉnh núi cao nhất vùng.
Núi Cấm hay Thiên Cấm Sơn thuộc xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, là một trong bảy ngọn núi của dãy Thất Sơn. Ở độ cao 715 m, “nóc nhà” của miền Tây hút khách với cảnh đẹp đa dạng như thác, hồ, rừng cùng những công trình tôn giáo như chùa Vạn Linh, Thiền viện Phật Lớn.
Dương Việt Anh, hướng dẫn viên du lịch ở An Giang, cho biết tháng 12 là thời điểm thích hợp trekking núi Cấm vì thời tiết khô ráo, cây cối xanh tốt sau mùa mưa. Hành trình đi bộ ở núi Cấm mất khoảng 4 tiếng đi và khoảng ba tiếng về tùy vào thể lực của khách. Tuyến đi bộ thường xuất phát từ cánh đồng An Hảo băng qua vườn trái cây, đến điện Cây Quế lên đỉnh Bồ Hong. Chặng xuống sẽ ghé tham quan chùa và tắm suối Thanh Long.
Lê Thị Kim Thoa, 28 tuổi, sống tại An Giang trekking núi Cấm 15 km hôm 30/11 cho biết cung đường dễ đi, phù hợp với người đi lần đầu như chị.
Theo Việt Anh, trekking núi Cấm đang dần được du khách biết tới. Mỗi tháng, anh nhận khoảng 2-3 tour, mỗi tour dao động 5-15 khách. Giá tour cung 15 km từ 400.000 – 700.000 đồng mỗi khách, tùy vào dịch vụ.
Trên núi Cấm còn có nhiều loại rau rừng được người dân trong vùng ăn kèm với bánh xèo nhân tép, thịt, kết hợp với đậu xanh, các loại nấm.
Sau khoảng hai tiếng, khách đến điện Cây Quế ở độ cao hơn 300 m. Thoa cho biết ở đây mát mẻ, khách tranh thủ nghỉ ngơi để lấy sức chinh phục đỉnh.
Khu vực điện Cây Quế có ba điểm thờ chính. Cao nhất là điện thờ Ngọc Hoàng, đến Diêu trì kim vương mẫu và điện thờ trăm họ. Muốn lên điểm cao nhất (ảnh), du khách phải đi luồn qua một khe đá hẹp, xung quanh cây cối um tùm.
Gần trưa khách lên tới đỉnh Bồ Hong cao 715 m. Từ trên đỉnh nhìn xuống du khách được chiêm ngưỡng khung cảnh đồng bằng bát ngát, cây cối đầy sức sống sau mùa mưa.
Anh Việt Anh cho biết trekking núi Cấm thích hợp nhất vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, nhiều khách chọn trải nghiệm vào các tháng cuối năm vì thời tiết khô ráo, cảnh núi rừng mờ ảo trong sương.
Chặng xuống thuận lợi, có nhiều điểm dừng chân tham quan như như chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, hồ Thủy Liêm.
Chùa Vạn Linh (ảnh) hay chùa Lá, nằm ở độ cao 550 m, có tượng Đức Phật Thích Ca thiền định bằng đá nguyên khối, nặng hai tấn; đại hồng chung nặng 1,2 tấn; bảo tháp.
Trong lúc khách tắm thác, chụp ảnh, bữa trưa “dã chiến” được hướng dẫn viên chuẩn bị. Đồ ăn thường là xôi, thịt gà, bánh, đã được chế biến sẵn để tránh mang vác nhiều, xả rác khi vào rừng. Các hướng dẫn viên mang theo túi nhặt rác sau chuyến đi và khuyến cáo khách không bẻ cành cây, hay mang bất cứ món gì ra khỏi rừng. Khoảng 14h, khách bắt đầu xuống núi.
Ngoài trekking núi Cấm trong ngày, nhiều khách chọn lịch trình hai ngày một đêm để ở qua đêm đón bình minh và săn mây.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch An Giang, Lê Trung Hiếu, cho biết trekking núi Cấm là hoạt động mới có trong hơn một năm, làm tăng trải nghiệm cho khách du lịch khi đến địa phương.