1.
Những ngôi chùa ở miền Trung thì ít lâu đời hơn, những ngôi chùa xưa nhất cách đây khoảng 5, 6 thế kỷ, như chùa Thiên Mụ xây dựng năm 1601. Những ngôi chùa xưa nhất ở đây thường là khi các chúa Nguyễn bắt đầu mở đất ở phương Nam (1558). Những kiến trúc tôn giáo xưa hơn thường là tháp Chàm, không phải chùa.
Ở miền Nam thì những ngôi chùa xưa nhất không phải chùa Việt mà là chùa Nam tông Khmer, vốn được xây dựng trước khi người Việt đến đây, đó là những ngôi chùa ở miền Tây có niên đại cách đây khoảng 6, 7 thế kỷ.
Ở Biên Hòa, các ngôi chùa cổ nhất như Bửu Phong (1679), Đại Giác (1665), Long Thiền (1664) đều được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 17, vài chục năm trước khi Nguyễn Hữu Cảnh đặt nền móng hành chánh cho vùng đất này (1698).
2.
Khác với nhiều ngôi chùa Hoa do người Hoa xây dựng, thường mang nét kiến trúc Hoa và tín đồ đến chùa đa số là người Hoa (chùa Ngọc Hoàng là một thí dụ), chùa Giác Lâm qua nhiều lần trùng tu mang nét kiến trúc Việt nhiều hơn và Phật tử đến đây cũng đa số là người Việt.
3.
Một vài bài viết trên web ghi rằng Giác Lâm là ngôi chùa cổ nhất TP Hồ Chí Minh, với suy nghĩ đơn giản: Sài Gòn hay TP Hồ Chí Minh thì cũng vậy! Đâu phải, vì Sài Gòn đâu phải là TPHCM!
Ngôi chùa cổ nhất Sài Gòn là Giác Lâm, xây dựng năm 1744, còn ngôi chùa cổ nhất TPHCM là chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức (số 204, đường Đặng văn Bi), xây dựng năm 1721. Cần thấy rằng Thủ Đức thuộc TPHCM nhưng không hề thuộc Sài Gòn ngày xưa!
Có điều chùa Huê Nghiêm đã được trùng tu rất nhiều lần, vào những năm 1960, 1969, 1990, 2003… do đó giờ đã thành… chùa mới rồi chớ không phải chùa cổ nữa.
Tui tới đây vào một chiều mưa dầm tháng 6/2016 thì thấy ngôi chùa mới và lộng lẫy hơn nữa, ắt là lại vừa được đại trùng tu gần đây.
Có lẽ cũng vì thế mà dù rằng là ngôi chùa cổ nhất và là nơi xuất phát nhiều vị cao tăng của Phật giáo miền Nam, chùa Huê Nghiêm vẫn không được xếp hạng Di tích. (Những ngôi chùa được xếp hạng Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia ở TPHCM là chùa Hội Sơn, chùa Phước Tường, chùa Giác Lâm, chùa Phụng Sơn, chùa Giác Viên, chùa Sắc Tứ Trường Thọ).
Và cũng vì thế bước vào khuôn viên chùa ta không có cảm giác bâng khuâng hoài cổ như bước vào chùa Phước Tường, Hội Sơn, Giác Lâm…