Gọi Đồng Văn (Hà Giang) là thế giới đá thật không ngoa, diện lộ đá vôi chiếm tới 80% trên tổng diện tích 574,35 km² của cao nguyên này. Ở đây, đá làm cho trời đất trở nên kỳ diệu: vườn hoa đá Khau Vai, vườn thú đá Lũng Bù, bãi hải cẩu đá Vân Chải, hoang mạc đá Sảng Tủng…
Phải mất 8 năm và 150.000 đồng bạc trắng để có lâu đài quý giá này. Vua Mèo đã mời những người thợ giỏi nhất Vân Nam (Trung Quốc) về xây dựng nên mang nhiều dấu ấn của kiến trúc Trung Hoa
Cứ đứng một chỗ mà chong mắt trông vào từng gộp đá, bạn sẽ đi từ ngỡ ngàng đến kinh ngạc: mỗi gốc đá, mầm đá là một hình thù của sự sống. Sự sống ấy dường như cũng đang thở, đang âm thầm chuyển động và khó có thể tìm thấy hai cá thể đá có hình thù giống nhau.
Sống lâu đời trên thế giới đá này không chỉ có người Mèo (H’mông) mà bao gồm đến 17 dân tộc anh em. Nhưng ở đây, người Mèo là dân tộc được biết đến nhiều hơn cả. Bởi vì, trong mấy chục năm đầu thế kỷ 20, có một ông vua Mèo đã thống trị toàn bộ vùng đất này.
Người Mèo nổi tiếng về nghệ thuật xếp đá. Họ có thể xếp những bức tường đá cao hàng chục mét, dài hàng trăm mét, bao quanh nhà để chống thú dữ, mưa xói, đá lăn, giông bão… mà không cần bất cứ một chất gắn kết nào. Họ còn xếp đá bao bọc những ruộng ngô, ruộng lạc để nước mưa không làm trôi đi chút đất quý giá mà hết đời trước đến đời sau họ đã nối nhau gồng gánh bồi đắp trên từng hốc đá.
Những hốc đất quý hiếm để cây ngô kiên cường mọc lên bây giờ trên cao nguyên đá này, còn chưa xa nó là chỗ của cây thuốc phiện. Cũng chính cây thuốc phiện đã dựng lên cho Đồng Văn một vị vua lừng danh mà dinh cơ nguy nga hãy còn đến ngày nay, nằm kề chợ Xà Phìn, trên đường từ Phố Bảng ngược chợ huyện Đồng Văn, đó là vua Mèo Vương Chính Đức.
Người đàn ông dân tộc Mèo này của gần một trăm năm trước quả là một người tài trí hơn người. Từ việc trồng và chế biến hoa anh túc thành thuốc phiện cùng những thương vụ thuốc phiện xuyên biên giới với Trung Quốc, Miến Điện và xa hơn nữa, ông đã tự tạo được cho mình và dòng họ nhà mình một thế lực bao trùm trên một vùng đất lúc đó đông hơn 70.000 dân. Thế lực ấy to lớn đủ để ông tự xưng vương. Về già ông Đức giao lại ngôi vương cho con trai thứ hai của mình là Vương Chí Sình.
Ông Sình điều hành vương quốc của mình đúng vào thời điểm cực kỳ loạn lạc của cả nước Việt Nam: phát xít Nhật hất chân thực dân Pháp, Quốc dân đảng Trung Hoa tràn vào miền Bắc nước ta. Tất cả các thế lực chính trị lúc ấy đều tìm mọi cách để lôi kéo vua Mèo về phía mình. Nhưng vua Mèo Vương Chí Sình đã chọn con đường đi cùng dân tộc: đứng về phía Việt Minh.
Sau 1945, ông Vương Chí Sình được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh mời về Hà Nội kết nghĩa anh em và trở thành đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà trong hai khoá I và II.
Nhà Vương được kết cấu gồm 64 gian phòng khác nhau gồm phòng khách, phòng làm việc, phòng ngủ cho các thành viên gia đình, phòng ở của các gia nhân, binh lính và các nhà kho
Vật liệu để xây dựng gồm đá xẻ. gỗ lim, lợp ngói âm dương, kết cấu kiến trúc gồm nhà 2 tầng. Phía ngoài gian chính giữa có treo một bức hoành phi do vua triều Nguyễn phong tặng vua Mèo “Biên chinh khả phong”
Dinh cơ của vua Mèo, mà ngày nay thường được gọi là Nhà Vương, được ông Vương Chính Đức khởi công xây dựng năm 1920. Quần thể kiến trúc này vừa là dinh thự, trung tâm điều hành vương quốc vừa là một pháo đài kiên cố với hai lớp tường đá bao quanh, có nhiều tháp canh với vô số lỗ châu mai. Kiến trúc được xây dựng trên ba chất liệu chủ yếu là đá tảng, gỗ quý và ngói ống. Tổng thể kiến trúc có đến 64 phòng với đủ mọi chức năng từ sinh hoạt gia đình, tiếp kiến ngoại giao, thờ cúng và đồn trú quân sự…
Ngày nay, Nhà Vương đã được công nhận là di tích quốc gia và trở thành một địa chỉ du lịch độc đáo của cao nguyên đá.
Trên đường rời Nhà Vương ra chợ Xà Phìn, thấy chúng tôi lỉnh kỉnh những máy ảnh, một tốp học sinh đeo khăn quàng xúm xít hỏi xem các chú từ đâu đến đây quay phim? Tôi nói với một bé gái là chú đến từ Cà Mau và hỏi bé có biết Cà Mau là ở đâu không? Mắt cháu bé vụt sáng lên với câu trả lời, nơi đó là cuối nước mình.
Từ đỉnh Lũng Cú, cực bắc của cao nguyên Đồng Văn này, nếu xuôi mãi theo kinh tuyến 105, qua hơn 1.800 km, cuối cùng chúng ta sẽ gặp xóm mũi Cà Mau, mỏm đất tận cùng của Tổ quốc ở cực Nam. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này hoá ra lại có một ý nghĩa thật đặc biệt.
Cối đá và yên ngựa bằng da của vua Mèo còn sót lại
Cửa chính dinh thự
Nằm ẩn mình dưới thung lũng mây Sà Pìn sau những tàn cây thông cổ thụ vươn mình lên cao. Đó là lối ra vào của dinh thự họ Vương
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 56-57
Bài: Nguyễn Trọng Tín – Ảnh: Trần Việt Đức